Theo báo cáo của UNICEF, cứ ba trẻ em trên toàn cầu thì trong đó có một trẻ sống ở những khu vực khó tiếp cận với nước. Điều này cảnh báo rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2050 khi dự đoán sẽ có thêm 35 triệu trẻ em phải đương đầu với tình trạng khan hiếm nước do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong một báo cáo của UNICEF, có khoảng “739 triệu trẻ em trên toàn thế giới hiện đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm hoặc cực kỳ khan hiếm nước, và biến đổi khí hậu có nguy cơ khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn”.
Hơn nữa, “gánh nặng kép của việc nguồn nước ngày càng cạn kiệt, nước uống và dịch vụ vệ sinh thiếu thốn đang làm tăng thêm các thách thức, đặt trẻ em vào tình trạng rủi ro cao hơn”, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho biết.
Báo cáo có tựa đề Trẻ em bị Ảnh hưởng bởi Biến đổi Khí hậu, được công bố trước Hội nghị thượng đỉnh COP28, đưa ra phân tích về tác động của ba cấp độ an toàn về nước trên toàn cầu – khan hiếm nước, tình trạng dễ bị tổn thương về nước và đau khổ vì nước.
UNICEF nhấn mạnh không thể kể hết những hệ luỵ trong đó bệnh tật, ô nhiễm không khí và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và hạn hán khiến trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các tác động của khủng hoảng khí hậu
Theo báo cáo, “Từ thời điểm thụ thai cho đến khi trưởng thành, sức khỏe và sự phát triển của các cơ quan như não, phổi, hệ thống miễn dịch và các chức năng quan trọng khác của trẻ em đều bị tác động bởi môi trường mà chúng lớn lên”.
Do trẻ em thường thở nhanh hơn người lớn và não, phổi cũng như các cơ quan khác vẫn đang phát triển nên chúng có nhiều khả năng bị ô nhiễm không khí hơn người lớn, báo cáo cho biết.
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, chia sẻ “Hậu quả của biến đổi khí hậu đang tàn phá trẻ em, (…). Cơ thể và tinh thần của chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước không khí ô nhiễm, dinh dưỡng kém và nhiệt độ cực cao.”
Bà cũng cho biết thêm “Không chỉ thế giới của trẻ em bị thay đổi – khi nguồn nước cạn kiệt và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng mạnh mẽ và thường xuyên hơn – sức khỏe của chúng cũng bị ảnh hưởng do bởi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng.
Giám đốc Điều hành tin rằng “Trẻ em đang đòi hỏi sự thay đổi, nhưng nhu cầu của chúng thường bị gạt sang một bên”.
Trẻ em và nỗi lo khan hiếm nước
Theo báo cáo, phần lớn trẻ em sống ở các khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á nơi có ít nguồn nước bị ảnh hưởng, khả năng bị ảnh hưởng ở mức cao theo mùa và vào giữa các năm, mực nước ngầm bị suy giảm hoặc có nguy cơ bị hạn hán.
“Năm 2022, có 436 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng về nguồn nước. Một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Niger, Jordan, Burkina Faso, Yemen, Chad và Namibia, nơi có 8/10 trẻ em bị tổn thương”, báo cáo nêu rõ.
UNICEF cũng bày tỏ sự thất vọng về số lượng lớn trẻ em đang phải đối mặt với gánh nặng kép về tình trạng khan hiếm nước ở mức độ cao hoặc trầm trọng, điều này khiến tính mạng, sức khỏe và hạnh phúc của các em gặp nguy hiểm.
“Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi từ các mầm bệnh có thể phòng ngừa được”, UNICEF nhấn mạnh.
Cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh
Báo cáo cảnh báo: “Biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự căng thẳng về nước ngày càng tăng – tỷ lệ giữa nhu cầu nước và nguồn cung cấp năng lượng tái tạo sẵn có”.
Nếu sự biến đổi khí hậu tiếp tục, “Đến năm 2050, dự kiến sẽ có thêm 35 triệu trẻ em phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước ở mức độ cao hoặc rất trầm trọng, trong đó Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á hiện đang phải đối mặt với những biến đổi nặng nề nhất,”
Do đó, trong những hoàn cảnh này, việc cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh là bước quan trọng đầu tiên trong việc bảo vệ trẻ em từ các tác động của biến đổi khí hậu.
UNICEF kêu gọi sự can thiệp tại COP28
Trước Hội nghị thượng đỉnh COP28, UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế thực hiện các bước quan trọng, cùng với và cho trẻ em, để bảo đảm một hành tinh có thể sống được.
Sự kêu gọi ủng hộ các quyết định đưa ra tại COP28 cũng bao gồm trẻ em, đưa trẻ em là đối tượng cần bảo vệ trên toàn cầu và việc đảm bảo quyền trẻ em là tiêu chí của việc quản trị các Quỹ Tổn thất và Thiệt hại và của các quá trình ra quyết định.
UNICEF cũng kêu gọi COP28 bảo vệ tính mạng, sức khỏe và phúc lợi của trẻ em thông qua việc điều chỉnh các dịch vụ xã hội, cung cấp cho trẻ em các công cụ ủng hộ môi trường và giảm khí thải.
Tiếng nói của trẻ em cần được lắng nghe
Bất chấp tính đặc biệt dễ bị tổn thương, trẻ em vẫn bị phớt lờ hoặc phần lớn không được quan tâm đến trong các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo, “chỉ có 2,4% khoản tài chính khí hậu, từ các nguồn quỹ quan trọng về khí hậu đa ngành, dùng để hỗ trợ các dự án kết hợp các hoạt động liên quan đến trẻ em”.
Bà Russell nhấn mạnh “Trẻ em và thanh thiếu niên đã luôn lên tiếng kêu gọi sự cấp thiết về vấn đề khủng hoảng khí hậu, nhưng những tiếng nói này hầu như không được lắng nghe trong việc ra quyết định các chính sách về khí hậu”.
Bà nói thêm: “Tiếng nói của trẻ em hiếm khi được xem xét trong các kế hoạch tài chính và hành động nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với khí hậu hiện nay.
“Trách nhiệm chung của chúng ta là đặt mọi trẻ em vào trung tâm của hành động khẩn cấp về khí hậu toàn cầu”, Giám đốc điều hành UNICEF kết luận.
Nguồn: Vaticannews
Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam